Theo tờ Metro UK, 1/3 nhà hàng phục vụ fish and chips có thể đóng cửa vào cuối năm 2022 do giá dầu ăn tăng.
Cụ thể, các chuyên gia ước tính rằng trong số khoảng 10,500 cửa hàng bán đồ ăn nhanh truyền thống của Anh – món cá và khoai tây chiên. Khoảng 3,500 số này có thể ngừng hoạt động. Nguyên nhân là do giá dầu hướng dương tăng, giá của một bình dầu 20 lít đã tăng từ 30 lên 44 bảng Anh.
Ông Andrew Crook, chủ tịch Liên đoàn Các sản phẩm từ cá quốc gia Anh (NFFF), người sở hữu một quán ăn ở Lancashire, chia sẻ với Metro rằng ông tiêu thụ 200 lít dầu hướng dương mỗi tuần.
Theo ông Crook, rất khó để thay thế chúng bằng các chất tương tự ở dạng dầu hạt cải dầu và dầu cọ. “Dầu hạt cải không có nhiều do năm ngoái mất mùa. Và giá dầu cọ đã tăng gấp đôi”, ông Crook nói.
Gần đây, giá dầu hướng dương tăng mạnh liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine – quốc gia xuất khẩu sản phẩm này lớn nhất thế giới, chiếm 48% thị trường thế giới. Vị trí thứ hai thuộc về Nga chiếm 24%.
Tại Tây Ban Nha, dầu ăn từ Ukraine đang ngày càng khan hiếm trên các kệ hàng siêu thị. Nhiều đơn vị bán lẻ đã phải áp dụng hạn mức mua từ 2-5 lít với mỗi khách hàng. Giá cả cũng đã tăng khoảng 2-3 lần, khiến gánh nặng chi phí lên doanh nghiệp và người tiêu dùng lại càng lớn hơn.
Ông Javier Alvarez, chủ một nhà hàng cho biết: “Một năm trước chúng tôi có thể mua dầu với giá chỉ 0,8 Euro/lít, nhưng giờ đã lên tới 2,6 Euro – tăng 300%”.
Trong khi đó, tại châu Á, Indonesia sẽ cấm xuất khẩu dầu cọ thô và dầu ăn nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng giá dầu ăn tăng mạnh ở nước này.
Theo Bộ Công thương Indonesia, kể từ ngày 28/4/2022, Indonesia sẽ cấm xuất khẩu toàn bộ dầu cọ thô (CPO) và dầu ăn với thời hạn cấm không xác định.
Việc này đưa ra trong bối cảnh chính phủ Indonesia ứng phó với cuộc khủng hoảng giá dầu ăn trong nước tăng mạnh từ đầu năm 2022 trở lại đây, tăng hơn 40%.
“Chính phủ đã quyết định cấm xuất khẩu mặt hàng dầu ăn và các nguyên liệu thô kể từ ngày 28/4. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi để đảm bảo nguồn dầu ăn trong nước dồi dào và có giá cả hợp lý”, Tổng thống Indonesia Joko Widodo nói.
Dù là nước xuất khẩu dầu ăn số 1 thế giới, chủ yếu là dầu cọ, nhưng nước này lại thường xuyên rơi vào tình trạng thiếu hụt. Giới chức Indonesia cho biết, đây là giải pháp cuối cùng, sau khi nhiều biện pháp giữ giá và đảm bảo nguồn cung nội địa không đạt kết quả.
Bộ Công thương Indonesia nhận định, nhiều khả năng, Jakarta sẽ sớm phải xem xét, điều chỉnh quyết định này do lệnh cấm sẽ dẫn tới tác động tiêu cực ngành công nghiệp dầu cọ của nước này khi có khả năng dư thừa nguồn cung tới 60%.
Theo Infonet