Bụng bầu có bề ngang to, quá thấp hoặc nhỏ hơn tuổi thai có thể là dấu hiệu cảnh báo tình trạng sức khoẻ của bào thai.
Mang thai là niềm vui của rất nhiều bà mẹ. Trong 9 tháng thai kỳ, cơ thể người mẹ sẽ trải qua rất nhiều thay đổi và mỗi bà bầu sẽ có những đặc điểm bụng bầu khác nhau. Theo nhiều nghiên cứu, hình dáng bụng bầu có thể tiết lộ một số điều liên quan đến trạng thái sức khỏe của mẹ và bé. Dưới đây là những tiết lộ về kích cỡ bụng bầu thường gặp.
Bụng có bề ngang quá to
Bụng bầu có bề ngang to là do em bé đang nằm ngang. Theo Verywell Family lý giải, dáng nằm này của bé sẽ không gây nguy hiểm cho mẹ và thai nhi trong suốt thai kỳ. Tuy nhiên, các phụ huynh nên sớm can thiệp để bé lật ngửa lại trước khi chào đời bằng cách mổ lấy thai vì những nguy hại như làm quá trình sinh nở gặp khó khăn, trẻ dễ bị ngạt thở hoặc vỡ tử cung.
Với trường hợp này, thai phụ cần được theo dõi tích cực ở 3 tháng cuối thai kỳ và nghỉ ngơi hợp lý. Bên cạnh đó, các bà mẹ cũng cần thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh trong quá trình mang thai.
Chủ động khám thai đúng định kỳ sẽ giúp các thai phụ ngăn ngừa rủi ro. Ảnh: Freepik
Bụng quá thấp
Hiện tượng bụng bầu quá thấp thường xảy ra trong lần mang thai thứ hai hoặc thứ ba. Nguyên nhân do các cơ và dây chằng hỗ trợ tử cung dần bị kéo căng và yếu đi theo thời gian, từ đó khiến các cơ không thể giữ được tử cung đang lớn như trước. Dù không quá nguy hiểm nhưng dáng bụng bầu thấp về tử cung sẽ gây áp lực lên vùng lưng dưới. Các bài tập hỗ trợ được khuyến khích trong giai đoạn này sẽ là đi bộ chậm hoặc các tư thế yoga nhẹ nhàng.
Vào cuối thai kỳ, các thai phụ sẽ cảm nhận kích thước bụng dần thấp đi chỉ sau một đêm. Theo Verywell Family, đây là dấu hiệu cảnh báo em bé đang chuẩn bị chào đời.
Bụng quá cao
Trong 2/3 thời kỳ đầu của thai kỳ, trẻ sẽ có xu hướng nằm nhô lên trên. Các nhà khoa học nhấn mạnh, hiện tượng này không phải là dấu hiệu giúp xác định giới tính thai nhi. Theo Healthline, bụng quá cao và nằm nhô lên trên là do người mẹ có cơ bụng khoẻ hoặc đây là lần mang thai đầu tiên. Hiện tượng này không gây nguy hiểm trong suốt thai kỳ.
Bụng có kích thước lớn
Phụ nữ mình dây thường có cảm giác bụng của mình to hơn các thai phụ khác. Hiện tượng này không đáng lo ngại, nhất là ở các phụ nữ đang mang thai lần hai. Nhiều nghiên cứu cho thấy, hình dáng bụng to hơn bình thường là do các múi cơ đã giãn ra để giúp thai phụ không còn cảm giác khó chịu và đỡ áp lực lên tử cung.
Bụng nhỏ hơn tuổi thai
Giống như trẻ sơ sinh, bụng bầu có đủ hình dạng và kích cỡ. Thông thường, tốc độ phát triển bình thường khi một phụ nữ bắt đầu xuất hiện là khoảng 1cm mỗi tuần. Nếu cơ bụng của các thai phụ khỏe và căng, chúng sẽ ngăn tử cung nhô ra phía trước. Điều này làm bụng có xu hướng trông nhỏ hơn so với các thai phụ khác.
Tuy nhiên, Verywell Family vẫn khuyến nghị các bà mẹ nên cẩn trọng vì hiện tượng này có thể liên quan đến tình trạng thiếu ối hoặc quá ít nước ối. Do đó, các thai phụ cần thực hiện khám thai định kỳ thường xuyên để được đánh giá nước ối và bảo vệ sức khoẻ thai nhi.
Theo VnExpress