Những vụ thâu tóm đình đám trong giới công nghệ

Số tiền 44 tỷ USD được Elon Musk đưa ra để mua Twitter hiện đứng thứ ba trong số những thương vụ công nghệ đắt đỏ nhất.

Microsoft mua Activision Blizzard: 68,7 tỷ USD

Ngày 18/1, Microsoft công bố đã bỏ ra 68,7 tỷ USD tiền mặt để mua hãng game nổi tiếng Activision Blizzard. Thương vụ dự kiến hoàn tất trong năm tài chính 2023 và là vụ thâu tóm công nghệ lớn nhất hiện nay.

Microsoft - Activision Blizzard là thương vụ công nghệ lớn nhất. Ảnh: Reuters

Microsoft – Activision Blizzard là thương vụ công nghệ lớn nhất. Ảnh: Reuters

Giới công nghệ nhận định, động thái mới được cho là sẽ giúp Microsoft có thêm lợi thế trong cuộc đua metaverse. Satya Nadella, Chủ tịch kiêm CEO Microsoft, nhận định “game đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của các nền tảng metaverse”.

Activision Blizzard hiện là một trong những hãng game lớn nhất với hơn 10.000 nhân viên khắp thế giới, thu hút 400 triệu người dùng hàng tháng tại 190 quốc gia. Công ty sở hữu nhiều trò chơi đình đám như Warcraft, Diablo, Overwatch, Call of Duty và Candy Crush.

Dell mua EMC: 67 tỷ USD

Năm 2015, hãng máy tính Dell chi 67 tỷ USD để thâu tóm công ty lưu trữ dữ liệu EMC Corporation.

Dell khi đó cho biết, việc mua EMC là nhằm tăng cạnh tranh ở mảng điện toán đám mây, cũng như thúc đẩy tăng trưởng trong các lĩnh vực chuyển đổi kỹ thuật số, trung tâm dữ liệu phần mềm, hạ tầng liên kết, điện toán đám mây hỗn hợp, di động và bảo mật. Giới phân tích đánh giá thương vụ đến nay đã mang lại một số thành công nhất định cho Dell.

Elon Musk mua Twitter: 44 tỷ USD

Việc tiếp quản Twitter của tỷ phú Elon Musk trở thành thương vụ thâu tóm lớn thứ ba trong lĩnh vực công nghệ. Thỏa thuận mua bán đã được hội đồng quản trị Twitter thông qua và dự kiến hoàn tất trong năm nay.

Elon Musk đã đạt thỏa thuận mua lại Twitter. Ảnh: FT/Reuters

Elon Musk đã đạt thoả thuận mua lại Twitter. Ảnh: FT/Reuters

Thương vụ sẽ đưa Twitter thành công ty tư nhân, chấm dứt những tuần đầy biến động trong mối quan hệ giữa Elon Musk và Twitter. Tỷ phú Mỹ sẽ trả 54,2 USD cho mỗi cổ phiếu Twitter, đúng theo đề nghị ban đầu của ông. Tuy nhiên, thỏa thuận vẫn đang chờ sự chấp thuận của các cổ đông và cơ quan quản lý.

Với việc nắm quyền kiểm soát Twitter, Musk có tham vọng biến nơi đây thành nền tảng tự do ngôn luận. Tuy nhiên, ý định này của ông được cho là có thể làm cản trở nỗ lực của Twitter trong việc kiểm soát các nội dung thù ghét, thông tin sai lệch, quấy rối và có hại trên mạng xã hội.

Avago Technologies mua Broadcom: 37 tỷ USD

Năm 2015, Avago thâu tóm đối thủ của mình là Broadcom, lấy tên là Broadcom Limited. Thương vụ hoàn tất năm 2016.

Hiện các công nghệ lõi mà hãng sở hữu gồm modem băng thông rộng, CPU SDP và ARM tùy chỉnh, Wi-Fi, Bluetooth, GPS, cảm biến quang… Broadcom là một trong những nhà cung cấp sản phẩm phần mềm bán dẫn và cơ sở hạ tầng lớn nhất ở Mỹ.

AMD mua Xlinix: 35 tỷ USD

Tháng 10/2020, AMD mua lại công ty bán dẫn Xlinix của Mỹ, chi trả bằng cổ phiếu trị giá 35 tỷ USD. Động thái này giúp AMD tăng sức mạnh trong các sản phẩm trung tâm dữ liệu, cũng như cạnh tranh mạnh mẽ hơn với Intel.

Tuy nhiên, thương vụ vấp phải một số phản đối từ các cơ quan quản lý ở một số quốc gia và đến đầu năm nay mới hoàn tất.

IBM mua Redhat: 34 tỷ USD

Công ty máy tính IBM công bố mua lại hãng phần mềm mã nguồn mở Red Hat năm 2018. Sự kết hợp giữa đôi bên giúp IBM tăng cường các giải pháp điện toán đám mây dành cho các doanh nghiệp. Red Hat Enterprise Linux và Red Hat Virtualization – hai dịch vụ chủ đạo của Red Hat hiện là một phần của nền tảng đám mây IBM Cloud.

SoftBank mua ARM: 31 tỷ USD

Tập đoàn viễn thông đa quốc gia SoftBank mua lại hãng chip ARM năm 2016 với tham vọng phát triển mảng chip xử lý dựa trên kiến trúc độc quyền của hãng này. Tuy vậy, ARM dưới thời SoftBank không phát triển mạnh mẽ với doanh thu chỉ tăng từ 1,2 tỷ USD lên 1,9 tỷ USD.

Do khó khăn tài chính, SoftBank bắt đầu rao bán ARM. Nvidia, nhà sản xuất GPU lớn nhất thế giới, đã đưa ra lời đề nghị trị giá 40 tỷ USD, con số lớn nhất lịch sử ngành công nghiệp bán dẫn. Tuy nhiên, vụ sáp nhập thất bại vào tháng 2 và lý do được đưa ra là “những rào cản về quy định ngăn cản sự hoàn thành của giao dịch, bất chấp những nỗ lực và thiện chí của các bên”.

Microsoft mua LinkedIn: 26,2 tỷ USD

Microsoft thâu tóm LinkedIn từ năm 2016 nhưng đến nay, mạng xã hội nghề nghiệp này vẫn hoạt động tương đối độc lập. Đây là vụ mua lại đắt đỏ thứ hai của “gã khổng lồ phần mềm”, chỉ sau thương vụ Activision Blizzard.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *