Chính phủ Anh sẽ có quyền tước quốc tịch Anh của một người mà không cần nói cho người đó biết, theo quyền hạn mới mà các nghị sĩ đang cân nhắc, biểu quyết.
Kế hoạch này – là một phần của dự luật gây tranh cãi, Dự luật Quốc tịch và Biên giới – có thể sớm được thông qua thành luật.
Ảnh minh họa: Getty
Quốc tịch là gì?
Quốc tịch là một địa vị pháp lý. Nếu ai đó là công dân Vương quốc Anh, họ có quyền hợp pháp để sinh sống tại quốc gia này, và được quyền tiếp cận các dịch vụ như phúc lợi, giáo dục và chăm sóc sức khỏe. Họ cũng có quyền đi bỏ phiếu.
Quốc tịch cũng là một sự định danh, và thường tạo cho một người cảm giác bản thân họ là ai, thuộc về đâu.
Một số người không phải là công dân nhưng có quyền sinh sống vĩnh viễn ở Vương quốc Anh với nhiều quyền giống như công dân Anh, tuy nhiên họ không được bỏ phiếu trong các kỳ bầu cử. Những người này có vị thế là người định cư, hoặc có quyền sống ổn định tại Anh.
Những nội dung gì đang được đưa ra?
Theo luật mới, Bộ Nội vụ sẽ được quyền xóa bỏ quốc tịch Anh của một người mà không cần phải thông báo cho người đó.
Chính phủ cho biết họ sẽ chỉ sử dụng quyền này trong những trường hợp “ngoại lệ”, chẳng hạn như nếu ai đó đang ở vùng chiến sự, hoặc đang lẩn trốn và không thể liên lạc được.
Tuy nhiên, các nhà vận động nói rằng động thái này sẽ làm tổn hại tới các biện pháp bảo hộ công dân, và nhiều khả năng nhắm vào mục tiêu là người thuộc các sắc dân thiểu số.
Trong một video mới đây đăng trên Instagram, nam diễn viên Riz Ahmed đã gọi biện pháp này là “điên rồ, sai lầm và … phân biệt chủng tộc”.
Luật hiện hành quy định thế nào?
Hiện tại, Bộ trưởng Nội vụ Anh có thể tước quốc tịch của một người nào đó vì những lý do sau:
- Việc tước quốc tịch là “vì lợi ích công” và việc này không khiến cho người bị tước quốc tịch Anh trở thành người vô tổ quốc
- Người đó có được quốc tịch thông qua việc gian lận
- Hành động của người đó có thể gây tổn hại đến lợi ích của Vương quốc Anh, và họ có thể xin quốc tịch ở những nơi khác
Bộ Nội vụ cần thông báo cho người đó, và người này có quyền kháng cáo – mặc dù đây có thể là một quá trình kéo dài.
Bộ Nội vụ cũng cần tin rằng người đó có đủ điều kiện để nộp đơn xin nhập tịch ở một quốc gia khác. Vương quốc Anh có trách nhiệm theo luật quốc tế trong việc tránh để một người trở thành người không quốc tịch.
Có bao nhiêu người đã bị tước quốc tịch?
Hiện không có sẵn số liệu tổng quan.
Tuy nhiên, Bộ Nội vụ cho biết từ năm 2010 đến năm 2018, trung bình có 19 người mỗi năm bị tước quốc tịch do việc tước quốc tịch của họ là “có lợi cho công chúng”, và trung bình 17 người mỗi năm bị tước do đạt được quốc tịch nhờ gian lận.
Trang web luật nhập cư Free Movement cho biết nghiên cứu của họ cho thấy hơn 460 người đã bị tước quốc tịch Anh trong thời gian từ 2006 đến 2020 – với 175 trường hợp là do lý do an ninh quốc gia và 289 người là do gian lận.
Những người bị tước quốc tịch Anh là ai?
Trường hợp nổi tiếng nhất gần đây về việc bị tước quốc tịch là Shamima Begum, một trong ba nữ sinh ở đông London đã đến Syria vào năm 2015 để ủng hộ nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS).
Cô Begum chào đời ở Anh, với cha mẹ là người Bangladesh. Cô đi Syria khi 15 tuổi.
Vào tháng 2/2020, một tòa án ra phán quyết rằng việc tước bỏ quốc tịch của Begum là hợp pháp vì cô là “công dân Bangladesh dựa theo gốc gác gia đình”, việc tước quốc tịch Anh sẽ không khiến cô trở thành người vô quốc tịch. Bangladesh nói rằng không phải vậy, và cô sẽ không được phép vào nước này.
Vào tháng 2/2021, Tòa án Tối cao ra phán quyết rằng cô sẽ không được phép quay trở lại Vương quốc Anh để kháng cáo.
Một người khác cũng bị tước quốc tịch vì lý do an ninh quốc gia là Tauqir Sharif, nhân viên cứu trợ sống ở Walthamstow, London. Ông đến Syria vào năm 2012 cùng vợ và bị tước quốc tịch vào 2017.
Bộ Nội vụ cho biết họ tin rằng ông Sharif có liên kết với một nhóm gắn bó với al-Qaeda. Ông này phủ nhận cáo buộc, và gọi hệ thống là “không công bằng” và “phân biệt chủng tộc”.
Một trong các trường hợp đáng chú ý là Phạm Quang Minh Amin, công dân Anh gốc Việt, bị Bộ Nội vụ Anh tước quốc tịch hồi 2011.
Trong vụ kháng cáo của người này, đại diện chính phủ Việt Nam nói theo luật quốc tịch Việt Nam thì ông ta đã không còn là công dân Việt Nam nữa sau khi nhập tịch Anh.
Phạm Quang Minh, đã theo đạo Hồi, lấy tên là Amin và cưới vợ người gốc Bangladesh, bị tước quốc tịch Anh hồi 2011 – Ảnh: DOJ.GOV
Tuy nhiên, lập luận này đã bị tòa Anh bác bỏ.
“Việt Nam vận hành theo cách của chính quyền cộng sản, trong đó bên hành pháp kiểm soát các toà án chứ không phải ngược lại,” thẩm phán Lord Jackson nói.
Tháng 2/2015, Phạm Quang Minh chính thức bị dẫn độ sang Hoa Kỳ. Cuối tháng 5/2016, Phạm Quang Minh, người mà Anh Quốc và Việt Nam đều không muốn nhận là công dân của mình, bị kết án tới 40 năm tù giam, với các tội danh liên quan đến khủng bố, bao gồm âm mưu đánh bom sân bay Heathrow, London.
Các nước khác thì sao?
Công dân sinh ra tại Hoa Kỳ không thể bị tước quốc tịch vì quyền công dân là quyền gắn liền với nơi sinh, được bảo đảm trong Hiến pháp Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, công dân Hoa Kỳ nhập tịch – nghĩa là những người nhập cư vào Hoa Kỳ – có thể bị tước quốc tịch vì một số lý do, trong đó cả việc là thành viên của một nhóm bị cấm, và việc có được quốc tịch Hoa Kỳ thông qua gian lận.
Tại Úc, một người có thể bị tước quốc tịch vì lý do an ninh quốc gia, nếu họ là cũng là công dân của một quốc gia khác.
Quốc tịch có thể bị tước bỏ vì lý do phản quốc, bất trung và các lý do an ninh quốc gia khác ở 14 quốc gia EU, trong đó có Hy Lạp, Pháp và Romania.
Luật Quốc tịch Việt Nam quy định một người có thể bị tước quốc tịch Việt Nam nếu họ là công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài hoặc là người nhập tịch Việt Nam cư trú ở bất kỳ đâu – trong hoặc ngoài Việt Nam, khi người đó gây hại nghiêm trọng tới “độc lập dân tộc” và “sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam”, hoặc tới “uy tín của Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”.
Trong những năm gần đây, Vương quốc Anh đã tước quốc tịch của nhiều người hơn bất kỳ quốc gia nào khác trừ Bahrain, theo phúc trình do Viện Phi Quốc tịch và Hòa nhập công bố.
Theo BBC Tiếng Việt