Chính phủ Anh Quốc đã công bố kế hoạch đưa những người nhập cư bất hợp pháp vào Anh bằng thuyền nhỏ hoặc xe tải đang chờ xét duyệt đơn tị nạn sang Rwanda.
Làn sóng người nhập cư bất hợp pháp đến Anh đã không ngừng tăng trong nhiều năm qua khi dùng thuyền nhỏ qua Eo biển Anh (English Channel).
Các tuyến đường có thể được nhiều nhóm đưa người Việt vào châu Âu sử dụng – Ảnh: Anti-Slavery and ECPAT UK.
Theo thông tin từ Bộ Nội Vụ Anh Quốc, 28,526 người đã đến Anh Quốc bằng thuyền nhỏ vào năm 2021, con số này cao gấp hơn bốn lần so với con số 8,466 người vào 2020, trang Infomigrants cho biết.
Chính sự khủng hoảng về nhập cư bất hợp pháp vào Anh đã buộc chính phủ hiện nay phải có những chính sách nhập cư cứng rắn hơn để ngăn chặn làn sóng nhập cư bất hợp pháp đến Anh Quốc.
Bởi lẽ, ngay chính những người nhập cư bất hợp pháp vào Anh Quốc đang phải đối mặt với những nguy hiểm tính mạng không thể tưởng tượng khi đi trên những con thuyền nhỏ lênh đênh trên biển để vào Anh, đồng thời vẫn phải trả một số tiền lớn cho những kẻ buôn người bất hợp pháp.
Để chống các băng đảng buôn người là lý do không chỉ Anh mà các nước châu Âu đang phối hợp “chặn nguồn” đưa di dân bất hợp pháp đến từ châu Phi, châu Á.
Người Việt tiếp tục đến, chỉ đổi cách vào Anh
Một số người Việt Nam cũng đang chọn con đường này để nhập cư bất hợp pháp vào Anh.
Sau thảm kịch 39 người chết trong xe container đông lạnh tại hạt Essex tại Anh cuối 2019, người Việt tìm con đường khác vào Anh đó là đi trên những thuyền nhỏ qua eo biển vào Anh.
Con đường đó cũng chứa đựng đầy rủi ro và nguy hiểm, theo BBC News nội địa đưa tin vào ngày 25/11/2021, đã xảy ra vụ lật thuyền của những người nhập cư bất hợp pháp vào Anh, và có 31 người đã chết trong tai nạn này.
Những chuyện này không phải không được biết đến ở Việt Nam.
Phòng ăn trong khu tạm cư cho người tị nạn của Bộ Nội vụ Anh – Ảnh: Google
Báo Pháp Luật (plo.vn) đưa tin, trong số 31 người thiệt mạng có một người Việt Nam và danh tính người đó đã được xác nhận, đó là anh Lê Văn Hậu (30 tuổi, quê xóm 6, xã Văn Thành).
Để ngăn chặn tình trạng làn sóng nhập cư bất hợp pháp vào Anh, Bộ Nội Vụ Anh nói họ cần thực hiện kế hoạch đưa người tị nạn đến Rwanda.
Kế hoạch này nhắm ngay vào những người đàn ông đi một mình đến Anh bằng thuyền hoặc xe tải. Họ sẽ được đưa sang Rwanda trong quá trình chờ xét hồ sơ tị nạn, và tiếp tục được định cư tại đó sau khi được chấp nhận tị nạn.
Trang iNews nói Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Priti Patel khẳng định chính sách này sẽ không cần một cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện để được thông qua.
Theo tôi quan sát thì chính sách này đang thực sự gây hoang mang và lo lắng cho rất nhiều người đang xét chờ tị nạn tại Anh, trong đó có cả những người Việt Nam.
Hỏi chuyện một người Việt là Nam (tên đã thay đổi) đang sống tại một khách sạn được thuê bởi Bộ Nội Vụ tại Bournemouth, tôi ghi nhận anh đang vô cùng lo lắng bởi lẽ là nam giới độc thân và sang Anh sau mốc ngày 1/01/2022, anh có lẽ sẽ là một trong những người đầu tiên nằm trong danh sách phải sang Rwanda, nếu kế hoạch này được triển khai vào cuối tháng 5.
Cần hiểu rằng chính sách của Bộ Nội Vụ (Home Office) vấp phải sự phản đối mãnh mẽ của nhiều chính trị gia, gồm cả một số thành viên của Đảng Bảo Thủ (Conservative Party) hiện đang cầm quyền.
Ví dụ cựu Thủ tướng Anh, bà Theresa May cho rằng bà không ủng hộ chính sách này do lo ngại về việc liệu nó có đáp ứng các tiêu chuẩn về “tính hợp pháp, tính thực tế và hiệu quả” hay không, theo iNews.
Thêm nữa, với việc chỉ gửi đàn ông độc thân đến Rwanda, bà May cho rằng chương trình thử nghiệm này có dẫn đến sự gia tăng buôn bán phụ nữ và trẻ em.
Thực tế, trong nhiều ngày qua, trên các trang mạng xã hội, như Facebook đã có những câu hỏi của những phụ nữ Việt đang mang bầu hoặc có con nhỏ đang chờ tị nạn sống tại các nhà xã hội lo lắng có thể bị xét vào diện đi đến Rwanda, do đó họ đang rất lo ngại.
Mối lo lắng này không hề thừa, để đáp lại những phản hồi từ cựu Thủ tướng Therasa May, Bộ trưởng Bộ nội Vụ Anh Priti Patel cho rằng phụ nữ và trẻ em xin tị nạn tại Vương quốc Anh cũng được gửi đến Rwanda sẽ xem xét tất cả mọi người, phụ nữ và trẻ em cũng không phải là ngoại lệ, theo báo Anh.
Hiện có cả làn sóng chỉ trích và chia rẽ từ nhiều phía khi cho rằng chính sách này là thiếu tính pháp lý, tính nhân đạo và ảnh hưởng đến quyền con người.
Nghị sĩ QH, cựu thủ tướng Theresa May phê phán kế hoạch đưa hết người xin tị nạn từ Anh sang Rwanda – Ảnh: PA Wire
Như BBC News đưa tin, Tổng giám mục Canterbury Justin Welby đã sử dụng bài giảng vào Chủ nhật Phục sinh của mình để nêu lên những gì ông nói là “những câu hỏi nghiêm túc về đạo đức” trong kế hoạch này, trước khi nói thêm rằng đó là “sự đối lập với bản chất của Chúa”.
Bên cạnh khía cạnh đạo đức, vấn đề kinh phí trong kế hoạch này cũng được chỉ rõ, được biết Bộ Nội Vụ Anh sẽ phải trả 120 triệu bảng cho Rwanda để kí kết hiệp định này, nhưng đó liệu có phải có số cuối cùng khi mà sẽ có những chi phí phát sinh đi kèm khác trong quá trình thực hiện kế hoạch này.
Kế hoạch đưa người chờ tị nạn đến Rwanda dự kiến sẽ được triển khai trong vòng 5 năm tới, đây có thể được xem là bước ngoặt lớn trong chính sách nhập cư người tị nạn đến Anh, nó thể mang lại những giá trị tích cực hay không và liệu kế hoạch có đi đúng lộ trình như những chia sẻ của Bộ Nội Vụ Anh hay không thì còn cần thời gian xem xét.
Trước mắt, tác dụng tức thời của nó là gây lo lắng cho nhiều người đang chờ tị nạn tại Anh Quốc, trong đó có những người Việt Nam đang sống bất hợp pháp tại đây.
Theo Hoàng Ngọc Anh