Hội nghị Tài chính của G20, khối 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới, họp hôm nay 20/04/2022, tại Washington. Bất chấp sự phản đối của các nước phương Tây, đại diện Nga vẫn tham dự hội nghị. Hoa kỳ và một số nước phương Tây vắng mặt một số phiên họp để phản đối.
Phiên khai mạc hội nghị các bộ trưởng Tài Chính G20 tại Jakarta, Indonesia, ngày 17/02/2022 – Ảnh: AP – Mast Irham.
Đây là lần đầu tiên các lãnh đạo Tài Chính, thống đốc Ngân Hàng các nước G20 họp lại kể từ cuộc xâm lăng Ukraina của Nga. Hãng tin Pháp AFP dẫn nguồn tin Đức cho biết thái độ với Nga là chủ đề “thảo luận kéo dài” trong nội bộ các quốc gia G7 và G20. Đại diện nhiều quốc gia G7 cũng dự kiến để ghế trống vào lúc đoàn Nga phát biểu. Bộ trưởng Tài Chính Mỹ Janet Yellen cho biết đoàn Mỹ sẽ vắng mặt trong một số buổi họp tại hội nghị Tài Chính G20. Bộ trưởng Tài Chính Pháp Bruno Le Maire cũng thông báo sẽ vắng mặt tại một số phiên họp để tỏ thái độ tẩy chay Nga.
Về phần mình, một số nguồn tin cho AFP biết là phái đoàn Đức sẽ “tham dự tất cả các cuộc họp cho dù có đại diện Nga cũng tham gia“. Mục tiêu của chính quyền Đức là không thể “Nga trực tiếp hoặc gián tiếp tiếp phá hoại hợp tác đa phương quan trọng này“. Bộ trưởng Tài Chính Đức Christian Lindner khẳng định trên nhật báo Bild là Berlin không để cho “các lời lẽ dối trá và tuyên truyền (của Nga) rơi vào im lặng“. Chính quyền Pháp cũng nhấn mạnh đây là dịp để một bộ phận lớn các quốc gia thành viên “lên án rõ ràng cuộc xâm lăng Ukraina của Nga trong mỗi cuộc họp“.
Bất chấp sự phản đối của nhiều nước phương Tây trong khối G20, yêu cầu loại trừ Nga, Matxcơva vẫn nhận được sự ủng hộ của Trung Quốc, Nam Phi và Ả Rập Xê Út, cũng như nước chủ nhà Indonesia. Căng thẳng trong nội bộ G20 chắc chắn sẽ khiến Hội nghị Tài chính G7 sẽ không ra được thông cáo chung.
Với cuộc xâm lược Ukraina của Nga và sự phản kháng dữ dội của phương Tây, nhiều nhà quan sát đặt câu hỏi về tương lai của G20 : liệu G20 sẽ ngừng tồn tại với tư cách là một diễn đàn cho các thảo luận, đàm phán và xác lập nhiều thỏa hiệp quan trọng với thế giới như từ hơn 10 năm nay. Năm 2008, G20 đã từng đóng vai trò quan trọng giúp thế giới ra khỏi khủng hoảng tài chính. Mới đây, khối này cũng là nơi các cường quốc kinh tế đạt đồng thuận về thuế toàn cầu 15% với các doanh nghiệp đa quốc gia, hay nhiều thỏa hiệp về chống biến đổi khí hậu, giảm nợ.