Những cặp vợ chồng “sống mòn” ở hai thành phố

Xiao, 35 tuổi, làm việc ở Thâm Quyến, sống ở Đông Hoản. Mỗi ngày đi làm anh mất 5 tiếng và phải đổi phương tiện bốn lần. Nếu tăng ca, hôm sau anh mới về.

Mỗi sáng, Xiao Xian, 35 tuổi sẽ gửi con đến trung tâm chăm sóc trẻ ở Nam Thành (Đông Hoản), sau đó đi đến công ty ở Thâm Quyến.

Anh sẽ bắt taxi sau đó đổi ba tuyến tàu điện ngầm. Lúc về anh bắt tàu điện đến sân bay và đi máy bay rồi lại bắt xe bus về nhà. Không chỉ Thâm Quyến, “cuộc sống hai thành phố” như của Xiao còn tồn tại ở nhiều thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Hàng Châu. Họ có thể đi đến và đi từ Bắc Kinh-Thiên Tân-Hà Bắc, Thượng Hải – Hàng Châu và những nơi khác. Nhiều người chấp nhận đi vài trăm km mỗi ngày để đổi lấy cuộc sống tốt hơn cho gia đình.

17h mỗi ngày, Chen Sili 28 tuổi, đứng trước sảnh công ty tại một con phố sầm uất ở Thâm Quyến. Chiếc xe bus công cộng đón cô lúc 17h10 và mất gần một tiếng rưỡi trên cao tốc về tới nhà ở thành phố Huệ Châu. Cô đã đi về như thế hai năm.

Năm 2018, Chen kết hôn. Đối mặt với giá nhà đất ngày càng tăng ở Thâm Quyến, vợ chồng cô đã mua một căn nhà ở Huệ Châu. Họ hy vọng đất ở đây tăng giá để bán đi rồi bù thêm tiền để mua nhà ở Thâm Quyến. Không ngờ căn nhà ở Huệ Châu không bán được. Họ cũng đối mặt với vấn đề khó có con, nên đi đến quyết định vẫn sẽ ở Huệ Châu.

May mắn họ có một suất mua biển số ôtô Thâm Quyến, vì thế không bị giới hạn đường vào giờ cao điểm sáng và tối. Hai vợ chồng quyết định mua ôtô để bắt đầu cuộc sống hai thành phố. Tuy nhiên, nơi làm việc của họ cách xa nhà và dễ bị tắc đường. Nếu đi vào giờ cao điểm thường mất 2 giờ. Để rút ngắn thời gian đi đường, Chen đã bỏ công việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin – nghề thường đòi hỏi làm thêm giờ, để làm một công việc khác dù giảm nửa lương.

Chen nhớ có lần chồng phải ở lại làm thêm nên 20h mới ra về. Khi ra đường, họ nhìn thấy nhiều chiếc xe biển số ngoại tỉnh bị chặn lại tại đầu đường cao tốc. Chồng cô nói: “Mặc dù không thể bán nhà ở Huệ Châu, chúng ta may mắn hơn vì có biển số xe”. Nếu không có biển số Thâm Quyến, có nghĩa họ buộc phải ở lại đây cả tuần, về nhà cuối tuần và chịu tiền thuê nhà đắt gấp đôi. Nếu vẫn muốn đi về hàng ngày, họ phải ra khỏi nhà lúc 5h sáng và rời công ty sau 10 giờ tối. Một số người sẽ phải đi nhiều loại phương tiện để đến được chỗ làm.

Nhưng dù là loại nào, họ đều phải đi vào những lúc không thấy mặt trời.

Vợ chồng Zhao Chenggong kết hôn tháng 5/2020 và chỉ ở bên nhau được nửa năm, từ đó mỗi người ở một thành phố. Anh Zhao, 29 tuổi, kỹ sư công nghệ làm việc Bắc Kinh, trong khi vợ anh làm trong trường đại học ở quê nhà Thạch Gia Trang.

“Có người hỏi sao không làm một chỗ để gần nhau mà phải chia cắt mỗi người một nơi như thế. Chúng tôi chỉ biết cười trừ”, Zhao, đứng đầu một dự án mới trong một công ty Internet ở Bắc Kinh, cho biết.

Công việc của anh chỉ có ở Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu mới có nhiều cơ hội phát triển. Lương ở Bắc Kinh có thể từ 10.000 tệ đến 20.000 tệ (36-72 triệu đồng), còn ở quê nhà chỉ từ 5.000 tệ đến 6.000 tệ (16-20 triệu đồng). “Tôi khó chấp nhận khoảng cách lương này. Ngoài ra, các khoản vay mua nhà, chi phí sinh hoạt và các vấn đề tương lai như nuôi dạy con cái, đều cần tài chính. Sau nửa năm kết hôn tôi quyết định trở về Bắc Kinh làm việc”, anh chia sẻ.

Đây không phải là lần đầu tiên họ sống ở hai thành phố vì chuyện lương. Đầu năm 2018, vợ anh khi đó vẫn còn là bạn gái, đã chấp nhận đi Thiên Tân làm việc và nhận lương ở Bắc Kinh. Tại đây lương như cũ nhưng chi phí rẻ hơn, giúp cô có cuộc sống thoải mái hơn.

Lúc đó, anh tiếp tục ở lại Bắc Kinh, cuối tuần tới với cô. Zhao đã mua một tấm thẻ để tiện đi lại. Có một lần, một nhân viên tàu điện đã cảnh báo anh cần phải giữ tấm thẻ đó thật cẩn thận vì nếu mất sẽ không cấp lại. Hiện tại mặc dù biết không còn lựa chọn nào tốt hơn, đôi khi vợ chồng anh vẫn rất lo lắng không biết tình trạng này sẽ kéo dài được bao lâu.

Vào mỗi sáng, ga tàu sẽ chật ních người từ các thành phố ngoại ô vào các đại đô thị làm việc. Ảnh: Sohu.

Vào mỗi sáng, ga tàu sẽ chật ních người từ các thành phố ngoại ô vào các đại đô thị làm việc. Ảnh: Sohu

Đối với Lao Liu, kỹ sư AI 30 tuổi, trải nghiệm sống ở hai thành phố còn tủi nhục hơn. Vào năm 2016, giá nhà ở Thượng Hải tăng vọt làm tan vỡ hoàn toàn giấc mơ mua nhà ở đây. Vợ chồng anh đành mua một căn hộ ở Côn Sơn, nằm cạnh ga tàu điện ngầm Tuyến số 11 Thượng Hải.

“Chúng tôi mua nhà trong sự cam chịu”, anh nói. Sau khi bàn giao, họ bắt đầu sống ở hai thành phố và Tuyến 11 trở thành một biểu tượng khó phai mờ.

Đây là một trong những tuyến tàu điện ngầm đông đúc nhất Thượng Hải. Ga đầu tiên Huaqiao xuất phát từ nhà họ, luôn có nhiều ghế trống. Nhưng chỉ 10 phút sau khi khởi hành, tàu điện ngầm đầy những người ngủ gật, một số người không có chỗ ngồi, thậm chí ngủ gật khi đang đứng. Một số người không thể kiếm được chỗ ngồi nhưng không thể đứng suốt hai giờ nên đã mang theo những chiếc ghế. Vợ chồng Lao vì không muốn tranh giành với ai nên luôn mang theo hai chiếc ghế nhỏ.

Càng gần thành phố, lượng người càng đông. Bất cứ khi nào có một người đứng đối diện, người ngồi đều cảm thấy bị “áp bức”. Có lần, một người nước ngoài đứng đối diện với vợ Lao Liu, vị trí nhạy cảm của người này chình ình trên đầu, khiến cô đỏ mặt. “Lần đầu tiên tôi cảm thấy mình kém cỏi. Là một người chồng, tôi đã không thể giúp gì cho vợ và không thể mang lại cho cô ấy một cuộc sống tốt đẹp”, anh chia sẻ.

Vợ chồng Lao thường ăn tối xong lúc gần 23 giờ. “Ngày hôm sau chúng tôi lại bắt đầu cuộc sống ở hai thành phố. Chúng tôi chỉ đang cố gắng với hy vọng duy nhất là kiếm được nhiều tiền hơn để có thể sống ở Thượng Hải”, anh nói.

Tuyến 11, ga Huaqiao, cạnh nhà của vợ chồng Lao Liu. Ảnh: Sohu.

Tuyến 11, ga Huaqiao, cạnh nhà của vợ chồng Lao Liu. Ảnh: Sohu

Cũng vì cuộc sống ở hai thành phố mà Liancheng, 36 tuổi, ở Bắc Kinh đã không thể giữ được cuộc hôn nhân của mình. Người phụ nữ này từng có một thời vẻ vang khi vừa ra trường đã được nhận vào làm ở một công ty nước ngoài. Song vài năm sau do suy thoái kinh tế, cô thuộc danh sách bị cắt giảm. Sau khi nghỉ việc cô làm trong một nhà xuất bản, nhận lương 4.500 tệ một tháng (16 triệu đồng), nhưng phải tham gia cuộc đua KPI khốc liệt.

Kết hôn được nửa năm, chồng bảo Liancheng cùng gia nhập xây dựng chuỗi siêu thị của một tập đoàn ở Bắc Kinh, đang triển khai ở Thiên Tân. Công ty chăm lo cho đời sống nhân viên bằng việc có xe đưa đón mỗi ngày, nếu không về sẽ có ký túc xá và phát phiếu ăn căng tin hàng tháng. Ngoài việc phải làm thêm giờ thì những đãi ngộ ở đây là “thiên đường”. Vì thế Liancheng đã không ngần ngại nộp hồ sơ,

Tuy nhiên, quy chế công ty không cho phép hai vợ chồng làm chung. Họ buộc phải che giấu quan hệ hôn nhân. Để tránh bị người khác chú ý, Liancheng chọn đi về 5 giờ mỗi ngày, còn chồng cô ở lại Thiên Tân. Để có thể ở bên nhau vài tiếng, anh thường lái xe trong đêm về với vợ.

“Có một lần chỉ để ở với tôi một lúc, anh đã suýt gặp nguy hiểm khi bị một xe tải tạt đầu trên cao tốc. Tôi đã thầm thề trong lòng sẽ không bao giờ để anh lái xe về nhà muộn như vậy nữa”, cô chia sẻ.

Nhưng vì có quá ít thời gian bên nhau và ít tiếp xúc trong công việc, cuối cùng vợ chồng họ không còn gì để nói. Sau khi sống ở hai thành phố không bao lâu thì họ ly hôn.

“Từ đó tôi hiểu rằng đối với tôi, điều quan trọng nhất trong hôn nhân là sự đồng hành. Vấn đề không gian và thời gian không thể vượt qua chính là kẻ phá hoại lớn nhất trong những cuộc hôn nhân giữa hai thành phố”, Liancheng nói.

 

Theo VnExpress

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *