Cách dạy con tự tin về tiền bạc

Cho con tự do quyết định tài chính của mình, giúp con hiểu về tiết kiệm và lãi suất, thưởng khi con làm được việc vượt quá nhiệm vụ… là cách dạy con về tài chính hay.

Hãy để trẻ tự quyết định chi tiêu của mình

Theo nhà trị liệu tâm lý Amy Morin, nhiều phụ huynh cho rằng để con tự quyết định và quản lý công việc có thể khiến chúng khó chịu, nhưng không phải vậy.

Khi trẻ em tích cực tham gia hoạt động tài chính phù hợp với lứa tuổi, chúng sẽ có cơ hội phát triển các kỹ năng thực tế. Tự giải quyết vấn đề tài chính cũng tác động tích cực đến lòng tự trọng của con.

Ví dụ, hãy trò chuyện với trẻ về tầm quan trọng của việc lập ngân sách và tiết kiệm. Sau đó, để con chi tiêu và theo dõi tiền tiêu vặt hàng tuần của mình. Nhờ vậy, trẻ có thể hiểu sự khác biệt giữa mong muốn và nhu cầu.

Nếu con vô tình tiêu vượt ngân sách hoặc chi nhiều tiền cho kẹo hoặc đồ chơi, hãy giúp trẻ phân bổ số tiền còn lại hợp lý hơn. Bằng cách này, trẻ biết cách chi tiêu thận trọng và có trách nhiệm tài chính khi lớn lên.

Ảnh minh họa: valuechampion.

Ảnh minh họa: valuechampion

Mở tài khoản tiết kiệm cho con

Cha mẹ luôn chủ động thanh toán tại quầy thu ngân, gọi đồ ăn vì nghĩ con nhút nhát hoặc chưa đủ khả năng tự làm việc này.

Tuy nhiên, theo Joseph Cilona, Ph.D., một nhà tâm lý học lâm sàng tại Manhattan (Mỹ) đó là suy nghĩ cản trở con bạn học cách quản lý tài chính. “Trẻ cần những tương tác hữu hình để hiểu về tiền bạc”, chuyên gia nói.

Ví dụ, hãy cho phép con thực hiện giao dịch để mở tài khoản ngân hàng. Nhờ vậy, trẻ biết cách chọn tài khoản tiết kiệm tốt nhất, với lãi suất cao. Đưa con cùng đến ngân hàng có thể giúp chúng biết cách ATM hoạt động. Đây cũng là cơ hội để chia sẻ với đứa trẻ về những vấn đề cơ bản như lãi suất ảnh hưởng thế nào đến tổng tiền tiết kiệm của con trong những năm tới.

Bạn nên cùng con tính toán số tiền lãi có mỗi năm, để giúp chúng quyết định ngân hàng nào mang lại lợi nhuận cao hơn. Nếu có con lớn, hãy xem xét việc cho chúng gặp nhân viên ngân hàng tìm hiểu về các loại thẻ ghi nợ hoặc khám phá cách tiềm năng để đầu tư tiền an toàn.

Tạo cơ hội cho con bạn

Tạo cơ hội không phải là thưởng cho con khi chúng làm việc nhà. Nếu bạn giao cho con cọ rửa nhà vệ sinh để lấy 20.000 đồng, chúng sẽ làm. Nhưng ngừng trả tiền, con chẳng làm nữa.

Chỉ nên bù đắp tài chính cho con khi công việc được giao vượt quá nhiệm vụ của trẻ. Điều đó sẽ giúp con rèn luyện tính độc lập và khả năng quản lý tiền bạc.

Cẩn trọng với ngôn ngữ của bạn

Khi bạn muốn từ chối yêu cầu mua đồ chơi mới của con, đừng nói “Nó quá đắt”, vì điều này có thể khiến trẻ cảm thấy tội lỗi khi muốn mua những thứ đẹp đẽ. Hãy thử giải thích rằng con đã có nhiều đồ chơi tương tự ở nhà hoặc mua món đồ đó không phải cách dùng tiền khôn ngoan.

Tương tự, khi con có hành vi sai trái, hãy tách rõ khái niệm: không phải con xấu, mà là hành vi con làm sai.

Bằng cách phân biệt này, con sẽ hiểu chúng được yêu thương, dù có chuyện gì xảy ra. Ngoài ra, con cũng nhận ra hành vi hoặc cách chi tiêu của chúng có thể cần thay đổi.

 

Theo VnExpress

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *