15 lời khuyên khi lần đầu đến nước Anh

Nếu đây là lần đầu bạn đến nước Anh và không biết cần chuẩn bị gì, bài viết này sẽ đưa ra 15 lời khuyên giúp cho bạn có trải nghiệm tại đây mượt mà nhất có thể.

 

ĐỪNG CHEN LẤN XÔ ĐẨY (HOẶC XÂM PHẠM KHÔNG GIAN RIÊNG TƯ) 

Tốt nhất là đừng chen lấn xô đẩy ở Anh, nhất là khi xếp hàng nhé. Người Anh vốn đã duy trì văn hoá xếp hàng ngay ngắn kể từ rất lâu rồi và họ luôn mong bất kỳ ai, kể cả người ngoại quốc cũng phải tuân theo những phép tắc khi xếp hàng. Thấy hàng dài quá thì cứ đứng đợi ở phía sau và kiên nhẫn đợi một lát vì theo thứ tự, bạn sẽ sớm là người được phục vụ thôi. Nếu không nghe theo thì nhiều người xung quanh sẽ trừng mắt nhìn bạn kể cả khi bạn vô tình hoặc cố ý chen lấn xô đẩy đấy.

 

ĐỪNG ĐÁNH GIÁ THẤP VĂN HOÁ UỐNG TRÀ CỦA NGƯỜI ANH 

Cà phê cũng tương đối phổ biến ở nước Anh nhưng trà mới là thức uống thượng đẳng. Nếu đang làm việc tại nước Anh, bạn sẽ thấy mọi người đều thay phiên nhau pha trà. Nhớ là đừng chỉ pha mỗi một tách trà cho riêng mình mà quên hỏi những đồng nghiệp khác nhé vì ở nước Anh họ không làm vậy đâu. 

Buổi trà chiều cũng là một nét văn hoá đặc sắc của người Anh. Dù cho bạn có ý định định cư hay chỉ du lịch ngắn ngày tại nước Anh, hãy thử đến một vài tiệm trà nổi tiếng ở địa phương và trải nghiệm phong cách tiệc trà chiều truyền thống của người Anh vì chắc chắn đấy sẽ là một kỷ niệm bạn không thể quên được.

 

TRÁNH DU LỊCH VÀO GIỜ CAO ĐIỂM 

Tránh du lịch vào giờ cao điểm ở London hoặc bất kì thành phố lớn nào ở Anh sẽ giúp bạn tiết kiệm được rất nhiều tiền vé cũng như không bị mệt mỏi và bực bội vì dòng người đông đúc và thời tiết không được thoải mái lắm của nước Anh.

Nếu phải du lịch vào những tầm giờ quá đông đúc thì bạn nhớ mua một cái vé được gọi là Oyster Card. Oyster Card được cơ quan giao thông London (TfL) cấp. Thẻ được dùng vào mục đích đi lại trên các phương tiện công cộng.

Mỗi người, từ người dân đến sinh viên, đều được cấp 1 Oyster Card. Các bạn có thể nạp tiền và sử dụng tại hầu hết phương tiện công cộng. Từ xe buýt, tàu hỏa, đến tàu thủy và các chuyến đường sắt nội đô, tất cả phương tiện đều có thể sử dụng Oyster Card này.

Có hai loại thẻ Oyster thường được dùng. Một là Oyster Card thông thường cho người bản địa và Thẻ khách truy cập, sử dụng được một lần.

Hình thức thanh toán phổ biến nhất trên thẻ Oyster Card là “Pay as you go”, tức là đi bao nhiêu trả tiền bấy nhiêu.

Đối với tàu hỏa, tàu thủy, số tiền trong thẻ sẽ trừ tùy vào quãng đường bạn đi được, tức là không cố định. Còn xe buýt thì sẽ áp dụng một mức phí cố định dù bạn có đi bao xa.

Đây là một tấm thẻ giúp các du học sinh thuận lợi trong việc di chuyển đến trường hoặc kí túc xá. 

 

HIỂU RÕ SỰ KHÁC NHAU GIỮA VƯƠNG QUỐC ANH, ĐẢO ANH VÀ NƯỚC ANH

Nước Anh, Scotland và xứ Wales đều là một phần của Vương quốc Anh và Đảo Anh. Đây là tên của những quốc gia. Trong khi đó, Bắc Ireland cũng là một quốc gia, là một phần của Vương Quốc Anh nhưng lại không thuộc Đảo Anh nhé. Còn Vương quốc Anh hiểu đơn giản là một liên hiệp chính trị giữa 4 quốc gia kể trên thôi. 

 

ĐỪNG CÓ NHÁI LẠI GIỌNG VÙNG MIỀN Ở NƯỚC ANH NHÉ 

Nhái lại giọng vùng miền của người Anh không bị coi là thô lỗ và bất lịch sự đâu nhưng họ sẽ nghĩ bạn bị ngớ ngẩn đấy. Giọng vùng miền ở nước Anh thật sự khó nghe với bất kì người ngoại quốc nào và thậm chí là cả người dân bản địa. 

Có rất nhiều giọng vùng miền trải dài khắp nước Anh và một vài trong số đó rất khó để nghe và hiểu được, đặc biệt là khi nói chuyện với các cụ già. Nếu tính sống ở Anh lâu dài thì bạn nên học cách nhận biết một ít giọng vùng miền sau khi nghe được họ nói chuyện một lúc đi vì thật sự học hỏi thêm một tí về nước Anh cũng không sao cả.

 

ĐỪNG CHỈ ĐI LẠI Ở MỖI LONDON

Vì còn nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng khác ở Anh mà? Công viên quốc gia Lake District, Stonehenge, thị trấn Whitby, làng Cotswold… London cũng rất đẹp và nhiều nơi để vui chơi giải trí nhưng bạn cũng nên ngó qua một vài địa điểm hấp dẫn khác vì nước Anh còn rất nhiều thứ bạn chưa khám phá ra hết đâu.

 

BIẾT CÁCH PHẢN ỨNG KHI AI ĐÓ NÓI “YOU ALRIGHT ?”

 “You alright ?” là một câu nói thường xuyên được sử dụng của người Anh. Một vài ngữ cảnh cũng như phản ứng cho câu nói này:

Trong chào hỏi thường nhật thì bạn sẽ trả lời là: “Yes thanks!”

Khi có nhân viên tới hỏi bạn đã được phục vụ chưa tại một quán bar hoặc cửa hàng thì câu trả lời của bạn sẽ tuỳ thuộc. Nếu chưa được phục vụ thì bạn cứ gọi order thôi còn được phục vụ rồi thì bạn bảo là “Tôi đã được phục vụ rồi”. Đương nhiên trả lời bằng tiếng Anh hết nhé.

Khi có người hỏi bạn cảm thấy khoẻ hoặc ổn không. Dựa vào ngữ điệu của người nói thì “You alright?” sẽ là một câu hỏi. Câu trả lời cũng tuỳ thuộc thôi. Nếu khoẻ thì bảo khoẻ mà không khoẻ thì bảo không khoẻ. Đương nhiên cũng trả lời bằng tiếng Anh.

 

ĐỪNG NHẦM LẪN GIỮA FOOTBALL VÀ SOCCER 

Hiểu đơn giản thì người Anh gọi ‘bóng đá’ là ‘football’ còn ‘bóng bầu dục’ của người Mỹ sẽ là ‘American football’. Tuy nhiên, đối với người Mỹ, để tránh nhầm lẫn giữa 2 môn thể thao này, họ gọi ‘bóng đá’ là ‘soccer’ còn ‘bóng bầu dục’ lại là ‘football’. Bạn nên hiểu thêm về những từ ngữ này để tránh gây xúc phạm cho một số người Anh khi bàn luận về bóng đá vì đây là môn thể thao hàng đầu và phổ biến nhất tại nước Anh với hàng loạt trận đấu hấp dẫn được diễn ra vào những ngày cuối tuần.

 

ĐỪNG ĐỨNG Ở BÊN TRÁI KHI ĐI CẦU THANG CUỐN

Nhớ luôn đứng ở phía bên phải để cho những người nào đi làm, đi học trễ hoặc bị trễ hẹn có thể lướt qua mọi người nhanh nhất có thể. Mấy cái cầu thang cuốn này có ở khắp mọi nơi, thậm chí là sâu dưới lòng đất và sẽ có cái rất dốc và dài hoà cùng sự hỗn loạn của giờ cao điểm và hàng ngàn người bận rộn chen lấn nhau nên bạn phải biết chỗ đứng ở cầu thang cuốn để tránh bị bực bội cũng như làm ảnh hưởng đến nhiều người khác nhé.

 

Cũng đừng giao tiếp qua ánh mắt với người lạ ở tàu điện ngầm. Nếu đi một mình thì lấy quyển sách hoặc báo ra mà đọc để tránh những giao tiếp qua ánh mắt không cần thiết với bất kỳ ai trên tàu điện ngầm vì như vậy là bất lịch sự và không bình thường chút nào hết.

 

SẴN SÀNG CHO VIỆC NÓI CHUYỆN VỀ THỜI TIẾT 

Người Anh khá ám ảnh với thời tiết và sẽ nói về nó rất là nhiều trong đời sống thường nhật. Thực tế thì thời tiết ở Anh rất ẩm ương và dở hơi vì sự thay đổi thời tiết ở Anh chuyển biến rất nhanh. Chỉ cần mới nắng đâu đó một lúc và sau đó sẽ có mưa hoặc tuyết ngay lập tức. Bầu trời thì hầu như lúc nào cũng xám xịt và ẩm ướt, nhất là trong những tháng mùa đông và bất kì ai lần đầu đến nước Anh cũng sẽ cảm thấy khó chịu với kiểu thời tiết bực bội ở đây. 

Hãy nhớ luôn đem theo ô vì hầu như ngày nào cũng cần dùng ô cả, và cũng cần mặc quần áo dày nhiều lớp thường xuyên vì thời tiết ở Anh khá lạnh so với nhiều vùng khí hậu khác trên thế giới.

 

TÊN CỦA MỘT VÀI ĐỊA ĐIỂM Ở ANH KHÁ KỲ LẠ…

Đơn giản là tên một đằng nhưng đọc một kiểu. Danh sách tên thì có cả đống nhưng bài viết chỉ đề cập đến một vài ví dụ như: 

Torquay: Tor/key

Cambois: Cam/iss

Alnwick: Ann/ick

Morecombe: Mork/um

 

ĐỪNG ĐỀ CẬP ĐẾN CHUYỆN TIỀN BẠC

Người Anh rất không thoải mái khi nói về chuyện tiền bạc. Việc chia sẻ chuyện bạn mới kiếm được bao nhiêu tiền sẽ khiến họ cảm thấy bạn đang khoe khoang và thiếu tôn trọng đến họ đấy. Đặc biệt là những người ở miền Bắc nước Anh, họ tuyệt đối không thích những điều đó đâu.

 

TỰ NGUYỆN TRẢ TIỀN BOA

Trả tiền boa là tự nguyện ở hầu hết mọi nơi tại nước Anh. Nếu được phục vụ tốt và cảm thấy thoải mái với dịch vụ ở một nhà hàng hoặc cửa hiệu nào đấy thì tiền boa tương ứng 10% giá trị hoá đơn nhìn chung được coi là dấu hiệu của việc bạn hài lòng với dịch vụ đấy. 

Tuy nhiên đôi khi, bạn sẽ thấy 10% giá trị hoá đơn đã được tính vào tiền dịch vụ rồi và bạn không cần phải trả tiền boa cho họ nữa. Còn khi đi taxi ở Anh thì tuỳ thuộc vào quãng đường di chuyển mà bạn sẽ boa thêm họ ít nhiều.

 

ĐỪNG NÓI CHUYỆN QUÁ TO Ở CÁC NHÀ HÀNG 

Tốt nhất là cứ nói chuyện bình thường với âm lượng ở mức vừa đủ cho đồng nghiệp, bạn bè hay gia đình của bạn nghe thôi và cố gắng đừng cho cả cái nhà hàng biết chuyện bạn đang nói cùng họ là gì là được. 

Nếu muốn một không gian thoải mái cho việc nói chuyện ồn ã và buông thả, có thể tìm đến những quầy rượu có ở khắp mọi nơi tại nước Anh. Tại đấy cũng có nhiều hình thức giải trí như âm nhạc, giải đố và đương nhiên bầu không khí sẽ dễ chịu và ít trang trọng hơn là những nhà hàng sang trọng.

 

LUÔN LÁI XE Ở PHÍA TAY TRÁI CỦA ĐƯỜNG ĐI 

Đây đơn giản là luật giao thông ở Anh cũng như một vài nước khác trên thế giới thôi. Tuy nhiên, đi lại bằng phương tiện giao thông công cộng sẽ được khuyến khích hơn khi ở Anh.

 

LỜI KẾT 

Trên đây là toàn bộ những điều bạn nên lưu ý khi lần đầu đến nước Anh. Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn có một trải nghiệm tuyệt vời và trọn vẹn khi khám phá nước Anh.

 

Theo Tracy’s Travels In Time

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *